Sử dụng drone để giải quyết vấn đề lao động
Theo nghiên cứu xu thế người lao động nông thôn di cư về các khu công nghiệp và đô thị của Liên Hợp Quốc năm 2022, hiện Việt Nam có tỷ lệ bình quân dân đô thị là 44%. Trong vòng 5 - 10 năm nữa, tỷ lệ này được dự báo sẽ bằng tỷ lệ hiện nay của Thái Lan (51,1%), Indonesia (56,4%) hoặc Maylaysia (78,4%). Do đó, thiếu lao động nông nghiệp ở nông thôn tại Việt Nam được dự báo sẽ trầm trọng.
Bên cạnh đó, theo thống kê của FAOSTAT năm 2021, giá thành sản xuất của các nền nông nghiệp phát triển như Mỹ, Brazil, Argentina chỉ còn 138 - 142 USD/1 tấn ngô và 317 - 329 USD/1 tấn đỗ tương. Trong khi giá thành ở Việt Nam là 329 USD/1 tấn ngô vào năm 2016 và 823 USD/1 tấn đỗ tương (2015 - 2019). Tức giá thành sản xuất ở Việt Nam cao gấp 2,3 - 2,5 lần so với các nước trên.
Sở dĩ có sự chênh lệch này là do các nước đã áp dụng công nghệ thông minh, giúp giảm xuống chỉ còn 5% giá trị lao động sức người trong các đơn vị sản phẩm ngô và đỗ tương. Còn ở Việt Nam hiện nay giá trị lao động là sức người vẫn chiếm tới 40 - 50% trong 1 đơn vị sản phẩm tương tự.
Trước thực trạng này và nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển các giải pháp canh tác thông minh, tại hội thảo “Tham vấn Xây dựng Trung tâm cơ giới hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, ngày 24/8, TS. Lê Quý Kha, Cố vấn cấp cao khoa học công nghệ nông nghiệp, CTCP Đại Thành kiêm Phó Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Châu Phi đã đề xuất ứng dụng rộng rãi thiết bị máy bay không người lái (drone) trong canh tác tại Việt Nam.
Đề xuất này có tiền đề là mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái đã được Đại Thành phối hợp với các Trung tâm Khuyến nông, hợp tác xã và nông hộ triển khai tại các khu vực trồng điều ở huyện Bù Đăng (Bình Phước) từ tháng 11/2021 – 3/2022, cùng các khu vực trồng lúa ở các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ từ năm 2016 đến nay.
Qua thực tiễn triển khai ứng dụng, ông Lê Quý Kha đánh giá, sử dụng drone đã mang lại hiệu quả cao cho người vận hành và nông dân sản xuất lúa, giảm công lao động/đơn vị sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, đảm bảo chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, đối với canh tác điều ở Bình Phước, chỉ mất 2 - 4 phút drone đã xử lý xong 1ha, trong khi nếu phun xịt thuốc bảo vệ thực vật theo cách truyền thống bằng máy nổ chạy bằng xăng thì phải mất 90 phút. Trong khi đó để làm được công đoạn này theo cách cũ phải kèm điều kiện công lao động đủ sức khoẻ đeo bình máy nổ trong thời gian dài.
Ngoài ra, lượng nước tiêu tốn cho 1 lần xử lý bằng drone chỉ mất 10 lít/ha, nhưng theo cách truyền thống phải mất 300 lít tối thiểu cho 1 lần phun/ha. Như vậy riêng việc tiết kiệm nước ngọt để pha thuốc bảo vệ thực vật cũng đã tiết kiệm công lao động cho người vận hành.
Đặc biệt, theo tổng kết, lượng thuốc bảo vệ thực vật khi phun bằng drone tiết kiệm được 20% so với phun truyền thống, do thuốc được phun cắt nhỏ đến vài chục micromet, phun đều 2 mặt lá nên không bị rơi rớt xuống đất. Các phân tử thuốc bảo vệ thực vật dễ và nhanh thâm nhập vào tế bào khí khổng của lá, vừa giảm chi phí, vừa giảm thiểu tác hại đến môi trường.
Hiệu quả sử dụng drone trong canh tác lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng được chứng minh khi, drone có thể xử lý được 175 ha/ngày. Trong khi, với cùng số công lao động vận hành drone, nếu phun xịt thuốc bảo vệ thực vật theo cách truyền thống chỉ đạt tối đa 5 ha.
Giải pháp tiết kiệm sức lao động – tăng năng suất sản xuất
Phân tích kỹ hơn nữa về thí điểm triển khai ứng dụng, TS. Lê Quý Kha chỉ ra, đầu tư một drone trong canh tác trồng trọt, ở mức khấu hao 3 năm, với cường độ sử dụng 240 ngày/năm sẽ đạt năng suất 42.000 ha/năm. Do đó, ông tính toán doanh thu có thể đạt 2,24 tỷ đồng/năm và lợi nhuận sau các loại chi phí có thể đạt hơn 609,146 triệu đồng/năm.
Thiết bị không người lái drone được nhìn nhận có thể áp dụng cho nhiều loại cây từ cây lâu năm, cây ăn trái, cây lương thực như lúa, ngô, sắn, điều, xoài, thanh long, sầu riêng, chuối, đậu tương, hay các cây rau.
Nguồn: https://mekongasean.vn/